PHÂN LOẠI HƯỚNG DẪN VIÊN VÀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH
Bài viết này không có tham vọng phân loại HDV cho công tác tổ chức mà là phân loại nhằm để HDV biết rõ được vị trí của mình để từ đó thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn du lịch được tốt hơn.
Hiện nay việc phân loại HDV đã được nhiều tài liệu, sách vở đề cập. Như :
* Sách “Nghiệp vụ Hướng dẫn Du lịch” (tác giả Đinh Trung Kiên – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2000) :
“Theo tính chất công việc hướng dẫn viên du lịch được phân loại như sau
– Hướng dẫn viên chuyên nghiệp (Tour Guide) là người hướng dẫn đoàn khách thực hiện chương trình thăm quan[1] du lịch được thoả thuận của tổ chức kinh doanh du lịch, được cấp thẻ hành nghề.
– Hướng dẫn viên tại điểm (On-site Guide) là người hướng dẫn khách du lịch thực hiện chuyến tham quan trong một vài giờ nhất định tại các điểm du lịch cụ thể (…)
– Hướng dẫn viên thành phố (City Guide) là người hướng dẫn khách du lịch thực hiện chuyến tham quan thành phố, thường là trên các phương tiện di động như xe buýt, xích lô, tàu điện (…)
– Hướng dẫn viên không chuyên ( Step-on Guide) thật ra là các cộng tác viên hướng dẫn du lịch mà các tổ chức kinh doanh du lịch thuê theo hợp đồng để hướng dẫn cho khách du lịch. Họ có thể là các nhà khoa học, giáo viên ngoại ngữ, nhà văn (…)
(…)
Một cách phân loại khác là chia thành hướng dẫn viên suốt tuyến và hướng dẫn viên địa phương …”
* Luật Du lịch :
– “Hướng dẫn viên du lịch bao gồm hướng dẫn viên quốc tế, hướng dẫn viên nội địa.” (Khoản 1 Điều 72).
– “Thuyết minh viên là người thuyết minh tại chỗ cho khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch.” (Khoản 1 Điều 78).
* V.v…
Cách phân loại nào cũng có cái lý của riêng mình nhưng tốt nhất là dựa trên những gì mà Luật Du lịch đã đề cập, vì … đó là Luật !
Tuy vậy, khi giảng dạy cho sinh viên – học viên ngành du lịch, nên có một sự phân loại HDV theo hoàn cảnh công tác. Điều này rất quan trọng vì sẽ giúp cho người làm công tác hướng dẫn du lịch tương lai hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ của mình, từ đó hiệu quả công tác sẽ cao hơn.
1. Phân loại cấp 1
Có 2 thành phần : Hướng dẫn viên du lịch trong nước và Hướng dẫn viên đưa khách ra nước ngoài.
Việc này không lạ, hiện nay đã có khái niệm Inbound và Outbound cho 2 thành phần này. Tuy nhiên, khái niệm HDV du lịch Inbound chỉ dành cho người hướng dẫn du khách nước ngoài đến du lịch trong lãnh thổ Việt Nam.Còn người hướng dẫn cho du khách là người Việt Nam thì gọi là HDV du lịch Nội địa (người Việt Nam đề cập ở đây là người được “tắm” mình thắm đẫm trong văn hóa Việt Nam).
Việc phân loại cấp 1 ở đây thì khác. HDV du lịch trong nước là người thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và HDV đưa khách ra nước ngoài là người chỉ thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt du khách từ lãnh thổ Việt Nam ra hải ngoại; khi ra khỏi quốc nội, họ không được thực hiện nhiệm vụ như một hướng dẫn viên.
2. Phân loại cấp 2
2.1. HDV đưa khách ra nước ngoài (HDV Outbound) được phân loại theo thị trường là quốc gia hay vùng lãnh thổ mà công ty du lịch đưa du khách đến (du khách được đề cập ở đây là người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đi ra nước ngoài với mục đích du lịch). Việc phân loại này tùy thuộc vào khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của HDV cũng như cảm tính của cơ quan chủ quản, không phụ thuộc nhiều lắm vào kinh nghiệm hay trình độ hiểu biết về nơi khách đến; nếu có, thì kinh nghiệm và trình độ đều chỉ là một yếu tố thuận lợi cho cơ quan chủ quản lựa chọn HDV để phân công công tác mà thôi.
Điều cần nhất của HDV đưa khách ra nước ngoài là anh ta phải biết làm thủ tục xuất nhập cảnh, thủ tục lên xuống máy bay (check-in, check-out) và có kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh hay sự cố nếu có xảy ra ở hải ngoại hay trên đường vận chuyển. Do vậy, việc phân loại sâu hơn cho thành phần này là không cần thiết. Về mặt nào đó, họ chỉ là người hướng dẫn (đường đi, cách thức đi …) chứ không phải là hướng dẫn viên du lịch đúng nghĩa. Khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, họ được gọi là Tour Leader và có nhiệm vụ là một Trưởng đoàn chứ không phải Tour Guide.
Việc đào tạo HDV loại này có thể nói là không quá cần thiết (ở TP.HCM hiện có vài trường TCCN có mở khóa đào tạo cho thành phần này). Hiện nay, khi chọn người để phân công nhiệm vụ, các công ty du lịch thường theo các tiêu chí sau :
1) Biết sử dụng ngoại ngữ, có sự quen biết với người có trách nhiệm.
2) HDV du lịch cơ hữu (có biên chế), đã làm việc lâu năm ở công ty, nay “sống lâu lên lão làng”.
3) Từ nguồn HDV du lịch trong nước chuyển qua (nhưng vẫn phải ưu tiên 2 tiêu chí ở trên trước).
4) Từ du học sinh hay tu nghiệp sinh ở nước ngoài về (phải có người giới thiệu).
5) Được đồng nghiệp giới thiệu.
2.2. HDV du lịch trong nước thì được phân loại theo nhiều cách :
2.2.1. Phân loại theo quốc tịch của du khách :
Gồm :
– Người thực hiện việc hướng dẫn cho khách nước ngoài đến Việt Nam với mục đích du lịch : được gọi là HDV quốc tế (từ của Luật Du lịch).
– Nguời thực hiện việc hướng dẫn cho khách là người Việt Nam đi du lịch trên lãnh thổ Việt Nam : được gọi là HDV nội địa (từ của Luật Du lịch).
Việc phân loại này giúp cho người làm công tác hướng dẫn du lịch biết rõ cách thức thuyết minh (cùng một điểm du lịch thì có nội dung thuyết minh và cách thức thuyết minh khác nhau); cách thức phục vụ du khách (ăn, ngủ, tham quan, giải trí … cũng khác nhau); v.v… Sự khác nhau ở đây là do dị biệt về quốc tịch, văn hóa, … của du khách.
2.2.1.1. Việc đào tạo :
Theo như Luật Du lịch thì bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ du lịch, HDV nội địa chỉ cần có trình độ văn hóa Trung cấp (Chuyên nghiệp) còn HDV quốc tế phải có trình độ Đại học. Nếu suy nghĩ đơn giản thì HDV quốc tế có trình độ cao hơn rất nhiều so với HDV nội địa. Thử “liếc” qua cách thức đào tạo hiện nay ở một số trường đào tạo nghề Du lịch tại Tp.HCM.
– Ở cấp độ Đại học, có khá nhiều trường, nhiều khoa chuyên môn đào tạo du lịch bậc Đại học. Từ trường chuyên ngành về Văn hóa, chuyên ngành về Kinh tế, Khoa học xã hội … cho đến các khoa chuyên môn như Quản trị Kinh doanh, Địa lý … đều mở ngành đào tạo Du lịch. Nội dung đào tạo như thế nào ? Tôi không đủ điều kiện để biết rõ chương trình của mỗi nơi nhưng có một thực tế là sinh viên Du lịch bậc đại học khi đi thực tập hầu hết đều phải học lại từ đầu về cách thức làm việc, quy trình làm việc của một hướng dẫn viên tại các công ty du lịch. Về kiến thức chuyên môn, có thể nói hơn 50% (hay 70 – 80% ?) là phải học hỏi thêm. Vậy các sinh viên đó đã học gì trong suốt 4 năm qua ? tại họ học dở (tệ) hay tại nguyên nhân nào khác ? Sau 4 năm ra trường, nếu người đó không có “khiếu” hoặc không gặp được thầy giỏi ngoài thực tế thì cái anh ta có được chỉ là tấm bằng Cử Nhân Du lịch – đủ làm lóe mắt và là sự ngưỡng vọng của biết bao người.
– Ở cấp độ trung cấp chuyên nghiệp : nếu đếm các trường Trung cấp dạy nghề du lịch ở TP.HCM thì hai bàn tay là không đủ nhưng số trường đào tạo có kết quả thực sự tốt thì chưa cần hết một bàn tay. Hầu hết các trường đều mở lớp theo phong trào, còn hiệu quả thì “sống chết mặc bay” ! Sau 2 đến 2,5 năm học tập thì ra trường và hành nghề (tuy nhiên có nhiều người đã đi thực tập và làm HDV thực thụ từ khi vừa bước trường rồi). Số học viên tốt nghiệp mà không làm việc được bởi các nguyên do :
1) Trường đó dạy quá kém.
2) Bản thân học viên không tự đào luyện.
3) Không tìm ra môi trường làm việc thân thiện.
4) Không phù hợp với nghề.
5) Thu nhập thất thường.
6) Lập gia đình.
Tuy nhiên nếu so sánh khả năng làm việc đúng nghề HDV du lịch thì học viên trung cấp chiếm tỷ lệ cao hơn so với sinh viên đại học. Nghĩa là khả năng đào tạo nghề HDV du lịch ở bậc Trung cấp là giỏi hơn so với các trường Đại học (dù còn rất nhiều trường TCCN kém). À mà quên nữa, Đại học là để đào tạo nên những nhà khoa học mà ! Và nhà khoa học thì làm việc bằng trí óc thôi, không làm việc chân tay, không đi “hầu hạ, bưng bê” đâu !
Nhưng người học ở bậc TCCN thì chỉ đi làm HDV nội địa thôi, không được làm HDV quốc tế. Muốn vậy anh ta phải đi học Đại học, bất cứ ngành nào, miễn là Đại học. Sau khi tốt nghiệp Đại học, nếu không phải chuyên ngành HDV Du lịch thì thêm 4 – 6 tháng học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Du lịch tổ chức và có bằng cấp trình độ ngoại ngữ nhất định thì mới được phép hành nghề HDV quốc tế. Thử tính theo đường này, như vậy anh ta phải mất :
+ 2 năm cho TCCN.
+ 4 năm cho ĐH chuyên ngành HDV.
Ít nhất là 6 năm. Tuy nhiên anh ta sẽ bị vướng mắc ở khâu “Có chứng nhận đạt trình độ ngoại ngữ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp” (mục c, khoản 3, điều 33 của Nghị định 92/2007 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch). Nếu không muốn bị vướng mắc điều này, thì chọn giải pháp này :
+ 2 năm cho TCCN.
+ 4 năm cho Cử nhân Đại học Ngoại ngữ.
+ 6 tháng cho lớp bồi dưỡng nghiệp vụ HDV (được Tổng cục DL chấp thuận cho tổ chức và công nhận bằng).
Như vậy anh ta phải mất ít nhất 6,5 năm để được hành nghề HDV quốc tế. Đó là chưa nói đến việc, sau 2 năm TCCN ra làm HDV du lịch, khi phát hiện ra mình muốn “nâng cấp” thành HDV quốc tế thì đó anh ta đã mất một quãng thời gian đáng kể, để rồi phải bỏ hết, đi học lại từ đầu ! Thật lãng phí thời gian và công sức. Bởi nếu từ xưa, anh ta chọn đại học Ngoại ngữ để tiến thân thì anh ta không bị mất 2 năm TCCN cản trở !
Như vậy cách hay nhất để làm một HDV du lịch là theo Đại học Ngoại ngữ 4 năm và thêm 6 tháng lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành.
Có một thực tế là hiện nay có rất nhiều người có trình độ Đại học bất kỳ (ngành y, dược, kỹ thuật, xây dựng, kiến trúc, bách khoa, sư phạm, khoa học xã hội lẫn nhân văn, kinh tế, chính trị, …miễn là Cử nhân) thì ít nhất chỉ cần qua lớp 6 tháng vừa nói trên là làm được HDV quốc tế; còn nếu họ tốt nghiệp ở nước ngoài (cũng ở bất cứ lĩnh vực nào) thì càng dễ dàng hơn nữa khi xin cấp thẻ Hướng dẫn viên. Trong khi đó, Cử nhân Du lịch muốn chuyển ngược lại các nghề khác thì … KHÔNG BAO GIỜ.Vậy bạn học Cử nhân Du lịch để làm gì ? Chỉ có một nơi hiện nay đang đòi hỏi phải có bằng Đại học Chính quy về Du lịch thôi, đó là làm Giảng viên Du lịch !
2.2.1.2. Nghiệp vụ chuyên môn :
* Làm HDV quốc tế tất nhiên là phải có có trình độ ngoại ngữ nhất định, HDV nội địa thì không cần thiết. Điều này là tất yếu, không có gì phải bàn cãi.
* Nghiệp vụ chính của một hướng dẫn viên du lịch là … hướng dẫn (tất nhiên rồi, hehe !); hướng dẫn cho du khách biết về nơi họ bỏ tiền, bỏ công sức ra để đến; hầu như hướng dẫn tất tần tật : cách thức sinh hoạt, ăn, ngủ, nghỉ, chơi … (vì vậy có người ví HDV như bảo mẫu, như người trông trẻ !). Nhưng không đơn thuần vậy, anh ta phải biết dung hòa giữa đặc điểm địa phương với đặc điểm của du khách chứ không phải hướng dẫn rồi “ép” khách phải “nhập gia tùy tục”. Ví như HDV sẽ hướng dẫn khách phương Tây cách ăn bằng đũa của người Việt, nhưng sau đó anh ta phải kiếm cho ra bộ dao-nĩa (ngoài Bắc gọi là dzao-dzĩa) cho du khách nếu như anh ta không muốn khách nổi giận và xù bo (hehe, cái này thì buồn lắm nha mấy bồ !) Hay như HDV nói : vì phải “nhập gia tùy tục” cho mấy người đến đây thì phải ăn bận áo dài khăn đống như tụi tui cho kín đáo nha – không được trần trụi ! Khách trả lời : mai mốt các anh chị qua bên tui, nhớ “nhập gia tùy tục” là “uổng trời” như tụi tui nha, chịu hông ?
* Món “nói” là rất quan trọng nhất trong tất cả các món của nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; nó đã hình thành nên đặc điểm của nghề. Do vậy, “anh chị ta” thường nói (đừng dùng “ông bà ta”, e là xúc phạm tổ tiên) : “Mép cá trôi, môi hướng dẫn” hay “Môi cá chép, méo hướng dẫn” và còn nhiều câu đại loại thế.
Nói thì ai cũng biết nói, cứ bật công tắt lên là phát, phát cái gì ? quá trời cái để phát thanh, thường HDV tìm thông tin từ kênh báo đài, kênh sách vở và kênh “Tám” nữa. Có những mẫu số chung khi “phát thanh” là : nói lúc khách thích nghe, không nói lúc khách ngủ, v.v… nhưng có những cái rất riêng giữa du khách là người Việt Nam với du khách khác. Như khi sau buổi ăn trưa, vẫn còn trên chặng hành trình dài, HDV có cần thiết nói không ? 99% HDV sẽ trả lời là KHÔNG; nhưng có 1% (trong đó có tui) trả lời là CÓ. Điều này tùy thuộc vào đặc điểm riêng về văn hóa hay thói quen của khách và cũng tùy thuộc vào nội dung lẫn cách thức “phát thanh”. Lấy việc đi máy bay làm ví dụ chơi, sau một quãng thời gian trên không, thế nào Cơ trưởng cũng có vài lời “tám” với hành khách, không cần biết lúc đó khách đang làm gì, ngủ hay thức (vì ông ta ngồi tuốt trong cabin lái mà). Cơ trưởng bảo quý vị đang đi trên máy bay cứ yên tâm nhé vì do tui lái đó; tui không chỉ biết về cái máy bay mà còn biết lo cho cảm xúc của quý vị nữa, điều quan trọng là tui vẫn đang lái chứ không có ngủ gục !
Về khía cạnh nào đó, có thể nói làm hướng dẫn nội địa là khó hơn quốc tế. Vì nhiều nguyên nhân :
a) Ngôn ngữ :
+ Nội địa : khách biết tiếng Việt nha, đừng hòng thì thầm nhỏ to nói xấu hay bàn bạc cái gì để ăn tiền nha !
+ Quốc tế : “thằng chả với con mẻ hổng biết gì hết đâu, chị cứ nói giá cho thiệt cao lên, khoảng chênh lệch tui lấy 9 – chị có thêm 1 nữa !”
b) Thuyết minh cảnh quan (đi tới đâu nói tới đó) :
+ Nội địa : “Em à, cái này là sông Sài Gòn mà, đâu phải sông Tiền đâu !” (trùi ui, khách còn rõ hơn tui, mắc cỡ quá ! Kỳ này bị xui rồi, chắc hổng có “bo” quá).
+ Quốc tế : “Quý vị đang đến ngã ba Dầu Giây, như chúng ta thấy, đường đi chia làm đôi ngã, một lên núi – một xuống biển. Nơi đây chính là địa điểm lịch sử ngàn đời linh thiêng của người Việt. Ngài Lạc Long Quân dẫn 50 con theo Quốc lộ 20 lên núi, hình thành nên cộng đồng các dân tộc thiểu số; ngài Âu Cơ đã dẫn 50 con đi thẳng tiếp theo quốc lộ 1 ra Hà Nội hình thành nên nước Đại Việt với kinh đô là Thăng Long”. Trời ui, HDV nói hay quá à, mà thông thuộc lịch sử nữa chứ ! (hehe, khoái rồi kìa, kỳ này chắc “bo” đậm à nha)
c) Thuyết minh kiểu “bà Tám” (khi mà hai bên đường hổng có cái gì hay để thuyết minh hoặc hổng có gì lạ thu hút tầm nhìn của khách) :
+ Nội địa : “Chú em kể chuyện đám cưới “qua” nghe mắc cười quá. Qua gả ba đứa con gái, cưới hai đứa con dâu rồi nè. Dzậy mà tới thằng Út, qua cũng phải nhờ người đi nói giùm đó !”
+ Quốc tế : “Đám cưới Việt Nam ngộ quá hé, vậy sau đó họ sinh con có làm đám gì không ? khi họ chết thì làm đám ma thế nào ?” (Thấy ớn, người ta mới cưới mà đã trù ẻo rồi !)
2.2.2. Phân loại theo hình thức tháp tùng du khách
Gồm :
– HDV du lịch suốt tuyết.
– HDV du lịch địa phương.
Người làm nhiệm vụ suốt tuyết phải có kiến thức tổng hợp với sự hiểu biết đa dạng, phong phú nhưng không cần chuyên sâu hay chuyên môn; là người chịu trách nhiệm chính trong nhiệm vụ tổ chức ăn, ngủ, tham quan, giải trí … cho du khách.
Người làm nhiệm vụ tại địa phương là người có sự hiểu biết chuyên sâu và có trách nhiệm giúp đỡ HDV du lịch suốt tuyến thực hiện nhiệm vụ tổ chức ăn, ngủ, tham quan, giải trí … cho du khách tại địa bàn nơi mình phụ trách (nơi thực hiện nhiệm vụ).
Có sự khác biệt giữa HDV du lịch địa phương với Thuyết minh viên tại điểm. Người làm nhiệm vụ thuyết minh tại điểm cần phải có kiến thức chuyên môn thật sâu rộng tại điểm du lịch mà mình phụ trách. Họ không có nhiệm vụ nào khác ngoài chuyện thuyết minh (tất nhiên là khi du khách có một nhu cầu nhất định tại điểm – ngoài nội dung thuyết minh – thì TMV cũng phải giúp đỡ; ví dụ chỉ cho du khách đi rest-room hay chỉ trỏ cho HDV du lịch suốt tuyến (hoặc HDV du lịch địa phương) nơi cấp cứu gần nhất khi xảy ra sự cố về y tế chẳng hạn). Họ có thể là một giáo viên, một chuyên gia, một nhà nghiên cứu, một lão làng trong một lĩnh vực nhất định nào đó mà không nhất thiết là người công tác trong ngành du lịch.
Về mặt nào đó, người HDV du lịch địa phương cũng giống như HDV Inbound. Ví dụ khi có đoàn du khách do một HDV du lịch suốt tuyết đưa từ Sài Gòn ra Hà Nội. Dù là chung một quốc gia, đều là người Việt, cùng chung một nền văn hóa nhưng Hà Nội có những nét riêng mà nơi khác không có; chỉ có người Hà Nội hoặc người sống lâu tại Hà Nội mới hiểu biết rõ những giá trị rất riêng này. Nếu du khách muốn hiểu rõ thì chỉ có HDV du lịch địa phương (trường hợp ở đây là HDV du lịch Hà Nội) mới đáp ứng được khi anh ta cùng tháp tùng theo đoàn trong những ngày đoàn lưu trú, tham quan tại Hà Nội.
Là một HDV du lịch địa phương, khi đưa du khách là người cùng địa phương đi du lịch thì anh ta có cách thức làm việc, cách thức thuyết minh khác hẳn khi anh ta đón một đoàn du khách từ địa phương khác đến tham quan, du lịch. Khi thực hiện vai trò tương tự như vậy, chúng tôi thường gọi đùa đó là “Hướng dẫn viên du lịch Inbound nội địa”.
Vai trò của HDV du lịch địa phương rất quan trọng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó quan trọng là yếu tố giảm chi phí, nên các công ty du lịch thường yêu cầu HDV du lịch suốt tuyến thực hiện luôn nhiệm vụ của một HDV du lịch địa phương. Cũng còn phải kể đến một nguyên nhân quan trọng khác là do sự chênh lệch trình độ chuyên môn nghiệp vụ nữa.
Xin ví dụ việc đưa một đoàn khách là người Nam bộ ra miền Bắc tham quan, du lịch. Khi đề cập đến vấn đề HDV du lịch tại Hà Nội (Hà Nội là trọng điểm đến đối với đoàn Nam bộ – người ta không nói “đi du lịch miền Bắc” mà thường nói “đi du lịch Hà Nội”, mặc dù đôi khi số ngày lưu trú tại Hà Nội không nhiều so với cả chương trình tại miền Bắc), hầu hết các công ty du lịch trong Nam đều ca cẩm là HDV ngoài ấy thuyết minh khó nghe (rặc giọng địa phương), thái độ phục vụ không cao, ít thuyết minh, v.v… (Tất nhiên nhận định này không phải cho tất cả HDV du lịch tại Hà Nội). Có nhiều nguyên nhân, từ khách quan (quá trình đào tạo) cho đến chủ quan (quá trình tự rèn luyện bản thân), nhưng có hai nguyên nhân chính cần đề cập đến là :
– HDV du lịch địa phương không hiểu rõ văn hóa, tâm tính của du khách ở xa.
– Anh ta không phải là người Hà Nội, từ các tỉnh khác đến Hà Nội học du lịch rồi đi làm tại Hà Nội mà thôi; làm sao anh ta có thể thuyết minh tốt về Hà Nội cho được !
Vấn đề này cũng xảy ra ngược lại khi một đoàn du khách từ miền Bắc vào trong Nam du lịch. Trọng điểm của nơi đến trong Nam là Tp.HCM nhưng khi đi lòng vòng Sài Gòn, HDV chả biết nói gì ngoài việc thao thao về những ngôi chợ, ngôi đình, chùa, … mà sách vở nào cũng có nói rồi – đôi khi du khách đọc sách còn hay hơn là việc nghe HDV nói nữa !? Bên cạnh đó, Nhiều HDV du lịch hiện nay tại Sài Gòn rất “sợ” khi đưa khách về miền Tây Nam Bộ, bởi miền Tây Nam bộ “hình như” chỗ nào cũng sông, cũng nước … giống nhau.
Tuy nhiên, việc phàn nàn ở chiều vào thì ít hơn việc phàn nàn ở chiều ra. Có phàn nàn ít hơn không phải do anh chàng HDV du lịch trong Nam có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao hơn HDV du lịch ngoài Bắc mà là do anh ta có “thái độ phục vụ tận tình” hơn mà thôi.
Một ví dụ nữa để rõ hơn sự khác biệt cũng như khó khăn giữa HDV du lịch suốt tuyến và HDV du lịch địa phương. Khi đưa khách đi từ nơi đón đến điểm tham quan, HDV du lịch giới thiệu cho du khách về cảnh quan hai bên đường, có 2 trường hợp xảy ra :
– Đối với du khách tại địa phương : Khách sẽ nói với HDV rằng “thôi, biết rồi, tui cũng sống ở đây mà, nói làm chi !”
– Đối với du khách từ xa đến : Khách sẽ nói với HDV “Ở đây cũng đồng lúa như ở quê tui thôi mà, có cái gì lạ hơn không !”
Việc lựa chọn nội dung thuyết minh lúc này để thú hút sự chú ý của du khách là không khó đối với HDV du lịch địa phương giỏi về trình độ chuyên môn nghiệp vụ lẫn kiến thức chuyên môn sâu.
Theo nhận định của riêng tôi :
* HDV miền Nam :
Nhiều HDV du lịch trong Nam cũng gặp khó khăn nêu trên, họ “hóa giải” bằng “chiêu” tổ chức trò chơi trên xe hoặc “thi kể chuyện hài”, “tuyển chọn giọng hát vàng” để bù đắp thời gian “chết”; lắm lúc đem chiêu “khách hàng thân thiết với truyền hình” hay chiêu “thi ngủ” ra xơi luôn cho tiện.
* HDV miền Bắc :
Ngoài không nhiều người áp dụng những chiêu như HDV miền Nam, còn lại đa số đều chơi chiêu “tình vờ”: ghế tui, tui ngồi; thỉnh thoảng đọc vài trang sách cho du khách nghe cho biết về miền Bắc.
* HDV miền Trung :
Quả thực tui có cảm tình tốt với đội ngũ này. Họ có được nền tảng đào tạo tốt như HDV miền Bắc và có phong cách, thái độ phục vụ tốt như HDV miền Nam. Nhưng hầu như chỉ có ở Đà Nẳng thôi. Còn ở Huế thì mấy “nường” chỉ có chất giọng Huế là “quyến rũ” được khách mà thôi.
2.2.3. Mối quan hệ
Để rõ hơn vai trò nhiệm vụ của mình, HDV cần hiểu rõ :
1. Khái niệm Hướng dẫn viên du lịch.
2. Khái niệm Thuyết minh viên.
3. Mối quan hệ giữa HDV Inbound và HDV du lịch suốt tuyết.
4. Mối quan hệ giữa HDV nội địa với HDV địa phương.
5. Mối quan hệ giữa HDV Inbound với HDV địa phương.
Kết luận
Người làm công tác hướng dẫn du lịch ngoài việc rèn luyện, trao dồi kỹ năng nghề, kiến thức nghề thì cũng cần phải nắm rõ vai trò, vị trí của mình trong mỗi chuyến tour để việc hướng dẫn đạt được hiệu quả cao nhất (và cuối chuyến tour nhớ đừng quên bo”).